Sáng ngày 18-09-2017, trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, trường THCS Lý Thường Kiệt phối hợp với CLB nhiếp ảnh Sông Hàn tổ chức triển lãm ảnh và tổng kết trao giải “Cuộc thi tìm hiểu về quần thể thiên nhiên hoang dã và loài voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà.”
Triển lãm trưng bày hơn 80 bức ảnh dưới nhiều góc nhìn mới lạ, độc đáo, thú vị, đem đến cho người thưởng thức bức tranh toàn cảnh về bán đảo Sơn Trà và “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu – một “báu vật” nằm trong danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ vô điều kiện.
Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu ảnh về loài voọc ngũ sắc, nhà trường còn ổ chức tổng kết cuộc thi tìm hiểu thiên nhiên hoang dã bán đảo Sơn Trà. Trong khoảng thời gian rất ngắn, từ ngày 11-09-2017 đến 14-09-2017, trường đã nhận được 464 bài dự thi của học sinh các khối lớp. Qua nhiều vòng chấm chọn, ban tổ chức quyết định trao giải cho 11 bài viết xuất sắc và ấn tượng nhất.
Với những dòng chữ nắn nót được viết cẩn thận, công phu, các em đã phần nào thể hiện hiểu biết, cảm nhận sâu sắc về loài linh trưởng quý hiếm trong rừng sâu này. Em Phạm Thảo Giang, học sinh lớp 7/10, đạt giải nhất cuộc thi, chia sẻ: “Nếu em là lãnh đạo thành phố, để bảo vệ báu vật này cũng như thiên nhiên hoang dã Sơn Trà, nên có những chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Đồng thời sẽ giám sát, ngăn chặn hoạt động săn bán, bẫy bắt, phá rừng làm mất môi trường sống của voọc chà vá chân nâu. Đặc biệt, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên ý thức bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu và bán đảo Sơn Trà, cho học sinh tham gia các lớp tập huấn về loài voọc để từ đó có những hiểu biết thấu đáo hơn về loài linh trưởng này”.
Thiết nghĩ, buổi triển lãm ảnh và cuộc thi viết về bảo tồn thiên nhiên như thế này đã khơi dậy nhiều cảm xúc cho các em học sinh. Từ đó, các em tự mình tìm hiểu, hình thành những nhận thức sâu sắc về việc bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, bảo vệ loài linh trưởng có “đôi tất dài màu đỏ” quý hiếm.
Hãy chung tay bảo vệ một trong những tài sản quý báu làm nên vẻ đẹp của một thành phố đáng sống, đáng nhớ - Đà Nẵng. Đừng để số phận của voọc chà vá chân nâu cũng giống như con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam, bị bắn chết tại vườn Quốc gia Cát Tiên.
Một số hình ảnh khác của buổi tổng kết "Cuộc thi tìm hiểu về quần thể thiên nhiên hoang dã và loài voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà":
Tác giả bài viết: Cô giáo Bùi Phương Uyên
Hình ảnh: Thầy giáo Phạm Văn Thắng