Học sinh nhà trường đạt giải cao trong cuộc thi "Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu"

Chiều 07/12/2014, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng và Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã tổ chức lễ tổng kết Ngày hội Sử học TP Đà Nẵng  Cuộc thi “Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu”.

Với chủ đề “Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu”, cuộc thi này được phát động và triển khai trong học sinh toàn trường. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của học sinh ở 4 khối lớp.

Hầu hết các bức thư đều thể hiện được tình cảm của các em đối với một phần máu thịt thiêng liêng của quê hương – mảnh đất Hoàng Sa thân yêu đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm suốt 40 năm nay. Các em cũng bày tỏ khát vọng về hòa bình, niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa của cả dân tộc. Thật vinh dự khi học sinh của nhà trường đã giành được 2/5 giải cấp Thành phố bậc THCS. Đó là em Nguyễn Hữu Vi Thư (lớp 7/1) đạt giải Nhì và em Huỳnh Thị Thanh Thủy (lớp 6/5) đạt giải Khuyến khích.

Sau đây là toàn văn nội dung bức thư đạt giải Nhì của em Nguyễn Hữu Vi Thư, học sinh lớp 7/1:

Đà Nẵng, ngày 20 tháng 10 năm 2014

Jumi thân mến!

Bạn có còn nhớ khoảng thời gian ngắn ngủi chúng mình quen nhau ở Hạ Long mùa hè năm ngoái không? Cô bé người Nhật đáng yêu à, còn mình thì chẳng bao giờ quên khoảng khắc bạn kể câu chuyện về Sadako và những con sếu mang khát vọng hoà bình ở nước bạn. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki lấy đi mạng sống hàng nửa triệu người nước bạn, trong đó có Sadako khiến mình không khỏi đau đớn. Nếu ngày trước nước bạn từng phản đối vũ khí hạt nhân thì hôm nay, người dân đất Việt, trong đó có cả mình đang cùng nhịp đập hướng về biển đảo Hoàng Sa – nơi một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 40 năm nay. “Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”, nỗi niềm ấy đã thôi thúc mình viết bức thư này cho bạn.

Jumi à, mình được sinh ra và lớn lên ở thành phố biển. Đà Nẵng quê mình đẹp lắm:

“Người quê mình không quen lời bay bướm

Con trai biết bơi từ trong bụng mẹ

Biết lắc thúng khi chưa biết chu vi hình tròn

Biết tính cá bằng khoang

Ăn sóng nói gió…

Bơi bên cạnh hải sâm

Tỉ tê cùng đáy biển

Như một người bạn thân”. (Chân sóng – Thanh Thảo)

Vì vậy, dù chưa từng đặt chân lên Hoàng Sa nhưng nó đã trở thành máu thịt trong trái tim mình. Mỗi lần nô đùa cùng biển xanh cát trắng, tắm mình trong làn nước biển ấm áp, mình lại ước được đến tận đảo Hoàng Sa – một phần trên bản đồ Đà Nẵng, để thấy được hình hài đất nước, hồn thiêng dân tộc.

Jumi biết không, nước mình đã tuyên bố và thực thi chủ quyền liên tục trên lãnh thổ Hoàng Sa từ rất lâu. Những tấm bản đồ Việt Nam thế kỉ XVII đã gọi quần đảo bằng tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hàng loạt tư liệu cổ của Việt Nam như “Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” (XVIII), “Phủ Biên Tạp lục” (1776), “Đại Nam thực lục tiền biên” đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên biển Đông. Dấu mốc đáng nhớ nhất là ngày 18/6 khi vua Gia Long sai quân lính ra đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Hơn thế, những tấm bản đồ “Hoàng Triều Trực Tỉnh địa dư” (1904), “Tân Hoa dân quốc toàn đề” (1926), “Đại thanh đế quốc” (1908), “Đại Thanh quốc toàn đồ” (1907) đều vẽ đến đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, nghĩa là thừa nhận các quần đảo biển Đông không trực thuộc Trung Quốc. Như vậy, Hoàng Sa tự bao đời là ngư trường quen thuộc của người dân quê mình. Thế nhưng Trung Quốc – một nước lớn từ phương Bắc đã cắm giàn khoan 981 vào da thịt của Việt Nam. Giàn khoan trái phép được hạ đặt vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, đã vi phạm Công ước Luật biển 1982.

Điều làm mình phẫn nộ hơn cả là tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Đà Nẵng quê mình vào ngày 26/5. Jumi à, ở quê mình, bao nhiêu người lính đã ra đi, giữa cô đơn và thiếu thốn để đến với biển đảo canh gác giấc ngủ cho nhân dân. Nơi đầu sóng ngọn gió ấy, biết bao ngư dân vẫn đưa thuyền ra khơi, quyết tâm bám biển để bảo vệ vùng trời thiêng liêng - nơi bao chiến sĩ đã ngã xuống khi còn rất trẻ. Vậy mà, Trung Quốc đã làm biển bão giông, ngày đêm nổi sóng.

Sở dĩ mình nói điều này với bạn, là bởi mình biết bạn đang lắng nghe mình, có thể sẻ chia với mình nỗi đau này. Vì có lần, bạn đã từng nói: “Ai không yêu đất nước mình thì không thể yêu ai được, không thể trở thành bạn tốt của ta”. Bạn yêu nước Nhật như mình yêu Việt Nam. Mình tin điều đó khi hai chúng ta nắm tay nhau chạy trên bãi cát hôm nào, đã hát cho nhau nghe những bài ca bằng hai thứ tiếng. Và mình cũng từng dạy bạn nói câu “Tôi yêu Việt Nam” bằng tiếng Việt. Chắc bạn vẫn chưa quên chứ?

Khi đất nước lâm nguy, chúng ta cần siết chặt bàn tay với mong ước “Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên – Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền” (Trần Đăng Khoa). Điều mình có thể làm ngay lúc này là viết thư cho Jumi, nói với bạn mong ước lớn nhất của mình. Trong một tương lai không xa, với nỗ lực của người dân Việt Nam, được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, Hoàng Sa sẽ chính thức được trở về với Việt Nam. Ngày ấy, mình sẽ mời Jumi cùng ra đảo. Bạn sẽ cùng mình xây dựng Hoàng Sa, để nơi ấy trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Mình sẽ tự hào giới thiệu với bạn bè khắp nơi về Hoàng Sa – quần đảo từng đi qua bao thăng trầm nhưng đã và mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc mình.

Tất cả chúng ta đều không được phép quên kí ức về Hiroshima và Nagasaki phải không Jumi? Nên mình hi vọng điều tương tự sẽ không lặp lại trong lịch sử, dù đối với bất cứ dân tộc nào. Chúng ta hãy cùng mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn, trước hết là bằng những việc làm hôm nay của mỗi người. Nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”

Mình mong ước một lần được khoác lên vai màu áo người lính hải đảo, để cống hiến một chút sức trẻ cho quê hương Tổ Quốc. Mình tự hứa với bản thân sẽ học tập thật giỏi, góp chút công sức nhỏ nhoi bảo vệ trời biển quê hương. Người dân quê mình cũng đã quyên góp vật chất, ủng hộ tinh thần cho những người lính từ đảo xa. Lãnh đạo quê mình cũng tăng đầu tư cho ngư dân vươn khơi bám biển sản xuất và bảo vệ biển đảo.

Ở quê mình, ngay lúc này đây, những người lính trong ba lô có biển, nhạc sĩ cầm đàn nghe sóng vỗ thênh thang và biết bao thi nhân giấu biển cùng vị mặn trên từng nhành thơ. Tất cả đều hướng về nơi thiêng liêng của Tổ Quốc, nơi kiên cường nhất giữa biển Đông. Đến đây, mình bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Việt Chiến:

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”

Giấy ngắn tình dài, mình đành phải dừng bút. Tạm biệt Jumi nhé. Mùa hè đến bạn có sang Việt Nam, hãy dừng chân ở thành phố xinh đẹp của mình. Mình sẽ đưa Jumi đến bảo tàng Đà Nẵng. Đến nơi ấy, bạn sẽ hình dung về Bãi Cát Vàng vạn dặm quê mình – điều mà trong bức thư ngắn ngủi này mình không thể nói hết.

Chúc Jumi mỗi ngày thêm đáng yêu. Tặng bạn câu hát mình vẫn thường nghe: “Trái đất này, là của chúng mình…”

Bạn của Jumi

Dưới đây nội dung bức thư đạt giải Khuyến khích của em Huỳnh Thị Thanh Thủy, học sinh lớp 6.5:

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 10 năm 2014

Lạc Ái Bình thân mến!

Mình nghĩ mình sẽ giận bạn biết bao sau những gì  mà đất nước bạn đã gây ra cho quê hương mình, gia đình mình. Chiếc tàu cá - “cái cần câu cơm” của cả gia đình Thủy đã hư hỏng rất nặng vì bị tàu chiến của dân tộc cậu đâm thẳng vào                                                                                           . Bây giờ mỗi ngày đến trường, mình canh cánh trong lòng gánh nặng mưu sinh, mình xót xa khi nỗi nhọc nhằn, lo âu đang hằn sâu trên trán ba mẹ. Mọi người đã không thể xoay xở đủ tiền để có thể tiếp tục hành trình trình ra khơi…  Nhưng sự thật mình không thể trách Ái Bình được. Bình đã luôn bênh vực hành động bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, của đất nước mình. Nếu những người lớn ở quê hương cậu ai cũng nghĩ được như thế thì có lẽ bây giờ mình, cả không biết bao nhiêu bạn nhỏ ở quê mình sẽ không phải sống trong cảnh phấp phỏng, lo âu?  Nỗi trăn trở, đau đớn về Hoàng Sa, nơi ấy một phần chủ quyền của lãnh thổ quê hương tớ đang bị chính quyền quê cậu dùng vũ lực cưỡng chế trái phép 40 mươi năm nay. Mình quyết định viết thư cho cậu, hi vọng trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập về mong ước hòa bình.

Ái Bình mến thương!

Trong những lá thư trước, cậu đã từng bảo rằng cậu yêu Tứ Xuyên, yêu quê hương cậu vô cùng. Tớ hiểu điều đó bởi mình cũng có quê hương, nơi khắc ghi những kí ức tuổi thơ ngọt ngào, êm đềm. Mình tự hào vì quê mình có biết bao thắng cảnh đẹp như Non Nước, Bà Nà, có Đèo Hải Vân  huyền ảo trong làn sương mờ đục.... Càng tự hào hơn khi Đà Nẵng, quê hương dấu yêu của mình có Hoàng Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi ghi dấu bao thăng trầm lịch sử, bao mất mát hi sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền. Mình may mắn bởi đã nhiều lần được đi biển cùng ba mẹ. Sống cùng với nắng và gió, nếm vị mặn mòi của biển khơi, mình thả hồn vào biển cả bao la, mình cảm thấy hạnh phúc biết bao giấc mơ chinh phục biển cả. Mình luôn thầm cảm ơn tạo hóa đã ban tặng cho mình “BÀ MẸ HOÀNG SA” đẹp đẽ, nhân từ và ân nghĩa thủy chung. Bởi thế, dẫu chưa một lần đến Hoàng Sa nhưng  không biết từ bao giờ cái tên ấy đã trở thành một phần máu thịt trong tâm khảm của mình. Một khát vọng lớn đang thôi thúc giục giã mình: một  ngày ra Hoàng Sa để được ôm ấp hình hài, hồn thiêng của quê hương. Còn bây giờ mình sẽ học thật tốt để sau này  trở thành một cô giáo dạy môn Lịch Sử để truyền, nhen nhóm trong tâm hồn đàn em thơ tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Đã có lần cậu kể rằng  những người lớn ở quê hương cậu cứ một mực khẳng định Hoàng Sa là một huyện của Trung Quốc. Trong trường học, các cậu cũng được dạy như thế. Cậu sẽ tìm được cho mình câu trả lời khi tớ đưa ra những đưa ra những bằng chứng cụ thể và xác thực này nhé! Về lịch sử, đầu thế kỉ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác trên các hòn đảo ở Hoàng Sa. Đến đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo.  Trong Phủ Biên tạp lục (1776) của Lê Qúy Đôn, Thiên Nam tứ chí Lộ Đồ Thư (Hồng Đức quốc âm thi tập) của Đỗ Bá Công, “Toản tập An Nam Lộ” trong “sách Thiên hạ bản đồ” đều khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng) là Việt Nam. Hai trang sách của “Đại Nam thực lục chính biên” bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn  biên soạn viết về việc triều Nguyễn Việt Nam chính thức xác lập chủ quyền  trên quần đảo hoàng Sa với tư cách là một quốc gia. Từ đó trở về sau, trên tấm bản đồ hình chữ S luôn có sự hiển diện của quần đảo Hoàng Sa. Không những thế, trong những tấm bản đồ như Bản đồ Biển Đông của Robert Sayer (1725-1794), nhà xuất bản Luân đôn in năm 1791 ghi chú là: Paracel Bank (quần đảo Hoàng Sa) vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam (Cochin China Đàng Trong) năm 1764. Quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của Đức năm 1876 vẽ vùng Viễn Ấn Hinter-Indien với lời ghi rõ quần đảo thuộc xứ "Annam" . Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ vào năm 1754 ghi nhận quần đảo Hoàng Sa dưới tên De Paracelles. Quan trọng hơn Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc cũng đã khẳng định Hoàng Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, “sách trời” đã phân định rõ ràng một sự thật lịch sử: Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Vậy nhưng gần đây nhất, đất nước cậu đã hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển đảo nước mình. Cùng với hành động gây hấn đó, chính quyền nước cậu đã huy động nhiều tàu quân sự, tàu chiến phu vòi rồng vào tàu kiểm ngư và tàu cá của những người dân vô tội. Mình đã căm phẫn biết bao! Chiếc tàu cá ấy là miếng cơm manh áo của mình và cả bao gia đình nữa. Cậu hiểu được lòng mình không? Mình đau đớn trước thảm cảnh ấy! Mình xót xa khi đất Mẹ Hoàng Sa cất tiếng kêu cứu thảm thiết! Mình sôi sục sự phẫn nộ khi mãnh đất quê hương đang rỉ máu…

Ái Bình à? Quay ngược lại dòng lịch sử , ngày 19 tháng 1 năm 1974, quân đội Trung Quốc tấn công quân đồn trú Việt Nam và chiếm các đảo phía tây thuộc quần đảo Hoàng Sa trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Suốt 40 năm nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cưỡng chế để  chiếm đóng  quần đảo Hoàng Sa. Không những thế, mình còn biết nước cậu đã gây hấn trên nhiều vùng biển đảo của Nhật, Phi lippin…

Cậu có tin vào chính nghĩa, vào lẽ phải không?  Còn mình, mình luôn tin vào sự chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa. Cậu nghĩ sao khi tớ nói điều này: Điều  mà nước cậu có được ở đâu mình chưa thấy rõ nhưng dân tộc cậu đang đánh mất niềm tin rất lớn trong lòng những người dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Cậu nghĩ, cậu, cả con cháu đời sau nữa sẽ tự hào khi trong những trang lịch sử của dân tộc, nước cậu là kẻ xâm lược, kẻ “gây hấn”, “hiếu chiến” …, là kẻ đã gây ra bao đau thương, mất mát cho bao cảnh đời, bao số phận…Cậu sẽ nghĩ sao khi dân tộc cậu sẽ bị mang tiếng là kẻ phá vỡ hòa bình thế giới chỉ vì lòng tham và sự hiếu thắng của số ít người? Còn với mình, với dân tộc mình có một chân lý không bao giờ thay đổi: Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của dân tọc Việt Nam. Trước hành động của đất nước cậu, mọi người dân quê mình vẫn đồng lòng đoàn kết, quyết tâm giữ từng tấc đất của quê hương với lòng yêu chuộng hòa bình sâu sắc. Ngay lúc này đây, bao nhiêu ngư dân như bố mẹ mình vẫn kiến trì bám biển, bao nhiêu người lính vẫn nén chặt hạnh phúc gia đình để mang về những mùa xuân lớn cho dân tộc. Tiếng sóng vỗ rì rầm, gối đầu nhau vào bãi cát trắng vàng giòn đã đi vào những trang thơ, những bài ca làm thổn thức lòng người. Còn mình, mình lại viết những dòng tâm tình gửi Hoàng Sa mến thương!

Lời của nhà thơ Bùi khắc Phúc là nỗi niềm, là quyết tâm của cả dân tộc:

Bốn ngàn năm đằng đẵng cuộc vuông tròn

Trăm bão táp ngàn đạn bom máu lửa

Có mẹ có con và còn có nữa

Triệu cha ông đau đáu Lạc Hồng

Tiếng Bác Hồ vang vọng khắp non sông

Ngọn cờ đỏ tung hoành ngang dọc

Quét sạch hết lầm than khó nhọc

Con lại về bên mẹ yêu thương

Hoàng Sa đó – nước Việt Nam ta đó

Có bao giờ Con rời Mẹ, Mẹ ơi!

(Hoàng Sa đất nước ta ơi)

Có mẹcBởi thế, mình viết bức thư này tha thiết mong muốn bạn hiểu được nỗi lòng của mình. Mình hiểu bạn qua cái tên của Aí Bình (yêu hòa bình) của bạn. Bạn hãy làm những gì mà bạn cho là phù hợp và thiết thực nhất nhé.Hãy là một trong những người Trung Quốc đứng lên bảo vệ lẽ phải!   Hãy hiện tình yêu chuộng hòa bình - tình yêu với ngôi nhà chung của nhân loại – một tinh cầu nhỏ bé trong vũ trụ bao la mà ta có được. Mình tin rằng lời nói và hành động của bạn sẽ ít nhiều khiến cho người lớn sẽ tự nhìn nhận lại việc làm của mình.

Ái Bình mến thương ơi, mình sẽ nói lời tạm biệt nhưng mình rất muốn bạn tưởng tượng ra quê hương Đà Nẵng thân yêu của mình, tưởng tượng được hình hài của Hoàng Sa thiêng liêng. Bạn hãy nhắm mắt, hãy hình dung một ngày không xa bạn sẽ đến đây cùng với mình, cùng ngắm nhìn sự thay da đổi thịt của Hoàng Sa trong sự thanh bình, cùng nhau ngắm nhìn mặt sóng vỗ thênh thang hay “quả cầu lửa” ai đó bỏ quên giữa trời hay dòng nước biển lam biếc ru vỗ và cả những rặng san hô kì thú nữa… Cậu cũng sẽ đượcc gặp những con người chân chất, hồn hậu nơi đây… Đó chính là quê hương, là Đà Nằng, là Hoàng Sa yêu dấu!

Người bạn tha thiết đợi tin

Huỳnh Thị Thanh Thủy


FANPAGE THCS LÝ THƯỜNG KIỆT