TRƯỜNG THCS LÝ THƯỜNG KIỆT NHẬN GIẢI TẬP THỂ VÀ MỘT HỌC SINH NHÀ TRƯỜNG ĐẠT GIẢI NHÌ QUỐC GIA TẠI CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 43

Với bức thư hóa thân vào nhân vật hoàng tử mười tám nước chư hầu gửi Thạch Sanh, em Nguyễn Phương Thảo học sinh lớp 6/4 của nhà trường đã đạt giải Nhì quốc gia trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43.

Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 là: “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?”

Em Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) nhận giải trong lễ tổng kết cuộc thi

Chia sẻ về giải thưởng của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43, Phương Thảo nói rằng em rất bất ngờ và rất vui khi nhận được giải thưởng này. Em chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi. Em thấy đây là cuộc thi để em thử sức của mình và mở rộng kiến thức đã học. Đề tài UPU năm nay là một đề tài hay bởi học sinh có thể khám phá âm nhạc ở mọi khía cạnh khác nhau. Em nghĩ đây là cuộc thi có ý nghĩa rất lớn giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội chứng tỏ mình và rèn luyện thêm kĩ năng viết văn”.

Với trí tưởng tượng phong phú, giọng văn trong sáng và vốn hiểu biết sâu sắc, bức thư của em đã chinh phục được Ban giám khảo và đạt giải Nhì.

Ngoài giải thưởng cá nhân, Trường THCS Lý Thường Kiệt cũng được vinh danh tại lễ trao thưởng ngày 10/5 với Giải thưởng Tập thể.

Dưới đây là nội dung bức thư đạt giải Nhì quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU  lần thứ 43 của em Phương Thảo:

Đà Nẵng , ngày 22 tháng 02 năm 2014.

Chào Thạch Sanh – con người đáng kính!

Tôi là một trong mười tám hoàng tử thuộc quân mười tám nước chư hầu. Có lẽ, chỉ cần giới thiệu vậy thôi, anh đã hiểu tôi chính là tình địch và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung với anh.

Trước khi gặp và đối đầu với anh, tôi không hề biết gì về anh, đó là lẽ tự nhiên vì lúc ấy anh chỉ là một chàng trai mồ côi, nghèo hèn, thấp cổ bé họng còn tôi là một hoàng tử cao quý thì quan tâm tới anh làm gì cơ chứ? Với những người như anh, tôi thực sự coi khinh và không bao giờ tôi có ý định kết bạn hay tìm hiểu. Nhưng tất cả suy nghĩ ấy tan biến khi tôi được gặp anh trong cuộc chiến một mất một còn. Trước một đội quân vô cùng hùng hậu của chúng tôi, anh vẫn tỏ ra điềm nhiên, bình tĩnh. Tôi nghĩ, hay là Thạch Sanh có nỏ thần của An Dương Vương để lại? Nhưng không, nỏ thần đã bị Trọng Thủy lấy mất rồi còn đâu? Tôi băn khoăn, không biết anh có bí quyết gì? Trước những hành động khiêu khích của chúng tôi, tưởng chừng anh phải lui quân, xin đầu hàng, nhường công chúa lại cho một trong mười tám hoàng tử.

Ai ngờ, trong giây phút căng thẳng, đầy kịch tính nhất, anh lại đưa ra một cây đàn. Mới nhìn thì đó chỉ là một cây đàn bình thường, không có gì đặc biệt. Tôi nghĩ thầm, chuyến này phần thắng nhất định thuộc về chúng tôi và quân dân Đại Việt sẽ bị đánh tơi bời. Nhưng không, đó chỉ là suy nghĩ non dại của một chàng hoàng tử trẻ tuổi, háo thắng mà thôi. Trước khí thế hùng hậu, quyết tâm tiến lên chiến thắng thì tiếng đàn của anh cất lên. Ôi! Tiếng đàn mới thật êm ái, trong trẻo làm sao! Âm thanh tiếng đàn cất lên cao vút như thúc dục quân mười tám nước chư hầu hãy dừng tay, chấm dứt việc làm sai trái của mình. Rồi tiếng đàn ấy lại réo rắt tâm tình như nhắc nhở quân chư hầu hãy biết quay đầu là bờ mà trở về với tổ ấm cùng người thân của họ đang ngày đêm mòn mỏi chờ đợi ở quê nhà. Khúc nhạc chưa hết mà khí thế của toàn quân đã giảm đi rất nhiều. Nhìn họ chẳng còn ai muốn tiến lên. Chưa đủ thuyết phục lòng người, tiếng đàn ấy lại phát ra những âm thanh buồn bã như ca thán cho số phận của những con người lầm đường lạc lối, cho những ai phải đổ máu hi sinh vì chiến tranh phi nghĩa. Lúc này, toàn quân, kể cả vị thống soái cũng rã rời chân tay, không thể chiến đấu và xin cởi giáp đầu hàng. Còn tôi, từ ngạc nhiên đến sững sờ và không biết thanh kiếm trên tay rơi xuống lúc nào. Không tin vào sự thật đang diễn ra. Lúc đầu, tôi cay cú lắm nhưng không còn cách nào khác, tôi đành câm lặng. Bình tĩnh trở lại, tôi tò mò muốn tìm hiểu vì sao tiếng đàn của anh lại thần kì đến vậy?

Sau khi cởi giáp xin hàng bởi tiếng đàn kì diệu của anh. Chúng tôi còn được thiết đãi một bữa cơm thật ngon lành trước khi trở về nước. Yêu thích, khâm phục tiếng đàn, tôi bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc. Trước hết, tôi hỏi phụ thân tôi, một quân vương rất am hiểu về âm nhạc rằng âm nhạc là gì? Phụ vương tươi cười, xoa đầu tôi có vẻ trách móc tôi hằng ngày hiếu chiến, ham công danh mà không quan tâm tới những gì gần gũi xung quanh mình, ông nói:

- Âm nhạc là cuộc sống, cái gì có trong cuộc sống đề có trong âm nhạc.

Nghe xong, tôi gật gù nhưng lại không thể lý giải vì sao tiếng đàn của Thạch Sanh lại có sức truyền cảm đến thế? Phải chăng đó là chiếc đàn thần? Băn khoăn, tôi tìm gặp mẫu hậu, một người đam mê tiếng hát. Nghe tôi tâm sự, mẫu hậu cười, giảng giải cho tôi nghe:

- Tiếng đàn của Thạch Sanh là tiếng đàn thần vì âm thanh của nó phát ra từ một cây đàn kì diệu. Tiếng đàn ấy là tiếng lòng của Thạch Sanh, một con người nhân hậu, biết lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tình, cảm xúc của chúng ta. Tiếng đàn ấy chính là mong muốn của người dân Đại Việt về một thế giới không có chiến tranh, tất cả mọi người biết sống hòa bình và yêu thương lẫn nhau.

Tôi nghĩ thầm, nếu ngày ấy không có tiếng đàn của anh, chắc giờ này, tôi đã bỏ mạng hoặc sống sót thì thương tật đầy mình thì làm sao có thể viết thư tâm sự cùng anh. Bây giờ, ngồi ôn lại chuyện cũ, tôi thấy quân mười tám nước chư hầu và cả nhân dân Đại Việt chịu ơn anh rất nhiều vì tiếng đàn của anh có thể cảm hóa và biến cuộc chiến tranh đẫm máu thành hòa bình, hữu nghị. Rồi sau này, trong cuộc chiến tranh vệ quốc, nhân dân Việt Nam anh hùng đã dùng tiếng hát át tiếng bom, tiếng hát giúp nhân dân Việt Nam quên đi đau thương mà đứng lên đánh đuổi quân xâm lược đế quốc. Lúc này tôi mới thật sự hiểu âm nhạc thật sự có sức mạnh to lớn trong đời sống của chúng ta.

Nhưng chưa hết, tôi còn biết tiếng đàn của anh trước đây như một liều thuốc thần dược giúp chữa bệnh cho công chúa khỏi bị câm và ngày nay trong y học, trong lao động sản xuất và chăn nuôi người ta đã sử dụng âm nhạc như một liệu pháp hỗ trợ giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe, cây cối, động vật thì tăng năng suất. Âm nhạc quả thật kì diệu biết bao! Càng tìm hiểu vê anh và tiếng đàn làm tôi trải qua ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi biết rằng, tài năng và tấm lòng nhân hậu của anh khiến nhiều người ghen ghét. Anh từng ngồi tù vì bị vu oan, nhờ tiếng đàn, anh được giải oan và giải thoát còn kẻ vong ân bội nghĩa thì bị vạch mặt và bị trừng trị đích đáng. Và như vậy tiếng đàn của anh chẳng phải là tiếng đàn công lý hay sao?

Trở về với cuộc sống thực tại hôm nay. Con người đã sử dụng âm nhạc như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Âm nhạc có ở bất cứ nơi đâu trong hoàn cảnh nào. Âm nhạc không phân biệt giàu nghèo, giới tính, màu da. Ở đâu có con người là ở đó có âm nhạc và mỗi giai điệu, mỗi bài hát đều có sức lay động tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nhờ âm nhạc mà ngày nay thế giới xích lại gần nhau hơn, biết yêu thương và bảo vệ cho nhau. Cũng nhờ âm nhạc mà con cháu của chúng tôi bây giờ có niềm tin và yêu cuộc sống hơn bao giờ hết. Cảm ơn âm nhạc! Cảm ơn Thạch Sanh!

Anh Thạch Sanh thân mến!

Tôi muốn nói thật nhiều những hiểu biết của mình về anh, về âm nhạc để chứng tỏ với anh rằng, tôi bây giờ không còn là một chàng hoàng tử hiểu biết nông cạn, mà thật sự đã trở thành người có suy nghĩ chín chắn, nhờ anh, nhờ âm nhạc nhưng thư đã dài. Tôi hi vọng một ngày không xa, tôi lại được gặp anh, được nghe anh đánh đàn để đam mê âm nhạc của tôi càng thêm mở rộng.

Cuối thư, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới gia đình anh, chúc cho muôn dân Đại Việt muôn đời vững bền và luôn tràn ngập niềm vui, tràn ngập lời ca tiếng hát. Chúc cho âm nhạc Đại Việt luôn thăng hoa và có nhiều khúc ca bất hủ như tiếng đàn của anh.

Một lần nữa chân thành cảm ơn anh vì đã bớt chút thời gian đọc lá thư này của tôi!

Hoàng tử quân mười tám nước chư hầu

Tin bài từ Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổ Ngữ văn -


FANPAGE THCS LÝ THƯỜNG KIỆT