Báo cáo chuyên đề: "Hỗ trợ giáo viên dạy tốt môn KHTN lớp 7 thông qua chủ đề "Tốc độ” – chương III – KHTN lớp 7"

4223

 I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

          Chương trình GDPT 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) được thực hiện ở bậc THCS vào năm học 2021-2022 với những môn học rất mới như Môn khoa học tự nhiên, môn địa lý và lịch sử, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm... Môn khoa học tự nhiên là một môn học mới ở bậc THCS, trước đây chưa từng có. Đây là môn học tích hợp với các phân môn vật lý, hóa học, sinh học. Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc “học sinh học được cái gì” đến chỗ quan tâm học sinh “vận dụng được cái gì” qua việc học (năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống). Để nâng cao chất lượng,  giúp học sinh phát triển và hoàn thiện các phẩm chất, năng lực. Giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học.

          Năm nay, trường THCS Lý Thường Kiệt thực hiện dạy học theo logic tuyến tính của chương trình KHTN, vì thế 1 giáo viên trong tổ được phân dạy cả môn học KHTN. Trong khi đó, nhiều giáo viên trong tổ đa phần được đào tạo đơn môn nên việc dạy còn nhiều bất cập. Chính về thế tổ KHTN đã phân chia nhiệm vụ cho các GV chuyên môn Lý, Hoá, Sinh đảm nhiệm việc báo cáo chuyên đề theo từng chủ đề bài học liên quan, qua đó nhấn mạnh những nội dung trọng tâm của bài học, đồng thời mở rộng vốn kiến thức cho giáo viên hiểu sâu hơn, rộng hơn các nội dung mình đã và sắp dạy, nhằm bổ sung các kiến thức còn thiếu, giúp giáo viên tự học, tự đào tạo, tự nâng cao trình độ, từ đó sẽ dễ dàng trong việc dạy học hơn.

          Trong nội dung này, tôi chọn báo cáo chuyên đề “ Tốc độ” để báo cáo trước đồng nghiệp. Hi vọng rằng bằng những kiến thức của mình, tôi sẽ hỗ trợ tốt nhất cho đồng nghiệp trong việc dạy và học, để chất lượng dạy học môn KHTN của trường Lý Thường Kiệt được nâng cao và hiệu quả hơn.

II. THỰC TRẠNG

  1. Thuận lợi:

- Nhà trường cũng như các ban nghành đoàn thể đang rất quan tâm đến đổi mới giáo dục phổ thông, chương trình GDPT mới đã và đang phát hành nội dung dạy học chương trình môn KHTN với các xuất bản hay và đảm bảo nội dung dạy học

- Tổ KHTN mới được hình thành với đầy đủ các giáo viên của phân môn Lý, Hoá, Sinh, đặc biệt là việc phân công chuyên môn của môn KHTN7 đều có đầy đủ 3 phân môn là thuận lợi lớn cho việc các giáo viên trong tổ tự học hỏi lẫn nhau

- Các GV trong nhóm KHTN7 đều rất nhiệt tình, ham học hỏi, không ngại khó ngại khổ, chia sẻ chân thành để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

  1. Khó khăn:

   - Giáo viên chỉ được đào tạo 1 hoặc 2 phân môn nên để dạy tốt môn KHTN cần phải cố gắng nỗ lực rất nhiều

  - Khi dạy học chương trình mới là chương trình phát triển sâu về thực hành, vận dụng, tuy nhiên đồ dùng cho môn KHTN chưa được phân về, hầu hết là đồ dùng GV tận dụng từ các phân môn, nhiều đồ dùng trong SGK không có để dạy cho học sinh là một trở ngại rất lớn.

III.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Với những thuận lợi và khó khăn trên, qua nghiên cứu tìm tòi trong nhiều tài liệu chúng tôi mong muốn giới thiệu đến đồng nghiệp những nội dung cần thiết cũng như phương pháp dạy học tốt nhất. Tôi đưa ra những nội dung sau:

  1. Nội dung bài học cần tìm hiểu

1.1 Tốc độ

- Khái niệm: Thương số  đặc trưng cho sự nhanh, chậm của chuyển động được gọi là tốc độ chuyển động, gọi tắt là tốc độ.

Tốc độ (v) = Quãng đường đi được (s) / Thời gian chuyển động (t)

- Cách xác định sự nhanh, chậm của chuyển động:

+ Cách 1: So sánh quãng đường đi được trong cùng một khoảng thời gian. Chuyển động nào có quãng đường đi được dài hơn, chuyển động đó nhanh hơn.

+ Cách 2: So sánh thời gian để đi cùng một quãng đường. Chuyển động nào có thời gian đi ngắn hơn, chuyển động đó nhanh hơn.

-Đơn vị đo tốc độ: Vì v=s/t nên đơn vị đo tốc độ phụ thuộc vào đơn vị đo độ dài và đơn vị đo thời gian.

Đơn vị đo độ dài

Mét (m)

Kilômét (km)

Đơn vị đo thời gian

Giây (s)

Giờ (h)

Đơn vị đo tốc độ

Mét trên giây (m/s)

Kilômét trên giờ (km/h)

- Đổi đơn vị: 1 m/s = 3,6 km/h                     1km/h = m/s

- Lưu ý:

          + Đơn vị thường dùng của tốc độ là m/s và km/h, tuy nhiên còn những đơn vị khác của tốc độ như cm/s, m/min…..Khi muốn so sánh chuyển động của 2 xe thì học sinh phải đổi về cùng 1 đơn vị sau đó mới so sánh

          + Tốc độ khác với vận tốc. Tốc độ là độ lớn của vận tốc còn vận tốc là đại lượng vecto bao gồm cả phương, chiều, độ lớn.

          + Tốc độ luôn dương còn vận tốc có thể có giá trị dương, âm tuỳ thuộc vào chiều chuyển động so với chiều dương đã chọn( hs sẽ được học ở lớp 10)

1.2 Đo tốc độ

-  Có hai cách đo tốc độ:

+ Cách 1: Chọn quãng đường s trước, đo thời gian t sau.

+ Cách 2: Chọn thời gian t trước, đo quãng đường s sau.

-Dụng cụ đo tốc độ có nhiều dụng cụ, tuỳ vào từng trường hợp ta dùng dụng cụ thích hợp. Trong thực tế người ta thường chọn cách 1 để đo tốc độ. Khi đó ta cần có thước đo quãng đường trước, sau đó chọn dụng cụ đo thời gian chuyển động phù hợp tương ứng

          + Dùng đồng hồ bấm giây thì dễ dàng trong việc thực hiện đo nhưng kết quả đo không chính xác vì có độ trễ và do cảm tính của người làm thí nghiệm

          + Dùng cổng quang điện kết hợp đồng hồ đo thời gian hiện số thì thực hiện khó hơn nhưng kết quả lại cho độ chính xác cao, thích hợp đo các khoảng thời gian ngắn.

          + Đối với các phương tiện tham gia giao thông thì người ta dùng súng bắn tốc độ cầm tay hoặc thiết bị bắn tốc độ gắn cố định.

          + Ngoài ra trong thực tế còn có tốc kế là thiết bị đo tốc độ của ô tô, xe máy

1.3 Đồ thị quãng đường – thời gian

- Lập bảng số liệu quãng đường đi được theo thời gian. Từ đó vẽ đồ thị theo các bước sau:

+  Bước 1: Vẽ hai tia Os và Ot vuông góc với nhau tại O, gọi là hai trục tọa độ

Trục thẳng đứng (trục tung) Os được dùng để biểu diễn các độ lớn của quãng đường đi được theo một tỉ xích thích hợp.

Trục nằm ngang (trục hoành) Ot biểu diễn thời gian theo một tỉ xích thích hợp

- Bước 2: Xác định các điểm biểu diễn quãng đường đi được và thời gian tương ứng.

- Bước 3: Nối các điểm biểu diễn lại với nhau.

- Sử dụng đồ thị quãng đường – thời gian

Từ đồ thị, ta có thể:

+ Biết được tính chất chuyển động của vật

+ Tính được tốc độ của vật tại một thời điểm nào đó

+ Xác định được vị trí của vật ở những thời điểm xác định

- Lưu ý: 

+ Khi đồ thị là đường thẳng song song với trục thời gian, vật không chuyển động

+ Để dạy dễ hơn, trong bài này giáo viên nên chọn cùng 1 tốc độ cho các khoản thời gian ( trừ khoảng thời gian từ 3h đến 4h) để học sinh có thể dễ dàng chia tỉ lệ các trục toạ độ

+ Trước khi vẽ các trục toạ độ nên hướng dẫn học sinh cách chia tỉ lệ để học sinh dễ hơn trong việc vẽ

V- KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

Khi dạy học một môn mới, đặc biệt là môn KHTN với kiến thức tích hợp của các phân môn lý, hoá, sinh, trong khi giáo viên chưa được đào tạo chuyên nghành thì điều cần thiết nhất là việc ham học hỏi, tìm tòi của mỗi giáo viên cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm dạy học chân thành từ đồng nghiệp. Nếu như kết hợp được hai yếu tố đó, tôi hi vọng rằng tổ KHTN sẽ dễ dàng tiếp cận với chương trình mới một cách hiệu quả nhất

Đồng thời với việc này, hi vọng tổ cũng như các cấp quản lý đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường cùng với các cán bộ chuyên trách phòng sở nên có cái nhìn đa chiều về việc tiếp cận này, không nên đòi hỏi quá cao với các GV trong những năm đầu, để GV có thời gian trau dồi kiến thức, học hỏi dần dần thì việc dạy học mới hiệu quả. Đồng thời, cần có thời gian cho giáo viên nghiên cứu bài học trong 4 năm đầu tiếp xúc với chương trình mới, giảm áp lực ở các vấn đề khác, để giáo viên có động lực học tập

Hi vọng rằng, với sự quan tâm của tổ chuyên môn, BGH nhà trường cũng như các cấp lãnh đạo, GV sẽ có đam mê trong việc học và dạy chương trình môn KHTN

Tôi  xin chân thành cám ơn!

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 11 năm 2022

 Tác giả bài viết: Cô giáo Đoàn Thị Thu Hoàng - Tổ KHTN trường THCS Lý Thường Kiệt

Ảnh minh họa: Admin


FANPAGE THCS LÝ THƯỜNG KIỆT